Kinh Nghiệm Viết Thư Giới Thiệu Du Học Trung Quốc

by Dương Hạ
cách viết thư giới thiệu xin học bổng Trung Quốc

Thư giới thiệu du học Trung Quốc là một trong những tài liệu quan trọng trong bộ hồ sơ xin học bổng Trung Quốc. Vậy thư giới thiệu xin học bổng là gì? Cách viết thư giới thiệu hay là như thế nào? Mời các bạn hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây của mình trong blog “Học Tiếng Trung Du Học” nhé!

Thư Giới Thiệu Xin Học Bổng Du Học Trung Quốc Là Gì?

Khi apply học bổng Trung Quốc hệ Đại học thì bạn cần xin thư giới thiệu của giáo viên, thầy hiệu trưởng hoặc bất kỳ giáo viên nào đều được. Đối với hệ Thạc sĩ thì bạn phải xin thư giới thiệu của 2 Phó giáo sư hoặc Giáo sư trở lên và đối với hệ Tiến sĩ thì cần thư giới thiệu của 2 Giáo sư. Vậy thư giới thiệu xin học bổng du học Trung Quốc là gì?

Thư giới thiệu tiếng Anh là Recomment Letter, tiếng Trung là 推荐信. Đây là thư mà các giáo viên, giáo sư, chuyên gia, cấp quản lý… viết để tiến cử, giới thiệu một người có năng lực xuất chúng đến một đơn vị nào đó học tập, làm việc. Trong trường hợp xin học bổng du học Trung Quốc thì thư giới thiệu sẽ do các giáo viên, tiến sĩ, giáo sư, cấp quản lý viết để tiến cử học sinh, nhân viên của họ đến học tập tại một trường.

Thư giới thiệu rất quan trọng. Nó thể hiện sự đánh giá của người thứ 3 về chính bản thân bạn. Về năng lực học tập, về kỹ năng về các hoạt động và thể hiện một phần tính cách con người của bạn. Vậy nên, bạn phải chuẩn bị phần tài liệu này thật chỉnh chu và tốt nhất có thể.

Mặc dù nói là thư giới thiệu của thầy cô giáo nhưng trên thực tế thì các thầy cô sẽ không có nhiều thời gian đích thân viết thư cho bạn mà đa phần các bạn sẽ tự viết, thầy cô đọc và chỉnh sửa lại cho phù hợp rồi ký tên. Nội dung thư giới thiệu thường gói gọn trong một trang A4, sử dụng tiếng Trung hoặc tiếng Anh. Tuy nhiên, nếu thầy cô không biết tiếng Trung thì mình kiến nghị là bạn nên viết tiếng Anh.

cách viết thư giới thiệu xin học bổng du học

Thư giới thiệu du học Trung Quốc là minh chứng đánh giá của người khác về năng lực của bạn (Ảnh: Internet)

Apply Hệ Thạc Sĩ Xin Thư Của Tiến Sĩ Có Được Không?

Một trường hợp thường gặp khi xin thư giới thiệu là các bạn không biết thầy cô nào có học hàm Phó giáo sư, Giáo sư trở lên hoặc các thầy cô không đồng ý viết thư cho bạn. Vậy thì xin học bổng hệ Thạc sĩ của thể xin thư giới thiệu của giảng viên học vị Tiến sĩ được không? Đáp án là có thể nhưng cũng tùy trường.

Bản thân mình apply học bổng hệ Thạc sĩ nhưng không thể xin được thư giới thiệu của Phó giáo sư hay Giáo sư mà chỉ là của hai cô Tiến sĩ (1 cô là trưởng khoa và 1 cô là trưởng bộ môn). Lúc nộp hồ sơ học bổng mình đã lo “ngay ngáy” về vấn đề này nhưng may mắn rằng cả 4 trường Đại học An Huy, Đại học Sư Phạm Hồ Nam, Đại học Trịnh Châu, Đại học Tương Đàm đều chấp nhận.

Cách Viết Thư Giới Thiệu Du Học Trung Quốc Cuốn Hút

Cấu Trúc Thư Giới Thiệu Xin Học Bổng Trung Quốc

Về mặt cấu trúc, thư giới thiệu thường có 3 phần chính:

Phần 1: Header và tiêu đề thư

Ở phần header bạn sẽ chèn logo của đơn vị đào tạo (trường THPT hoặc trường Đại học bạn đã theo học). Logo nên chèn bên góc trái, bên góc phải bạn sẽ để tên trường, địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ của trường. Cách làm này không chỉ tăng thêm vẻ đẹp hình thức cho bức thư mà còn giúp người đọc nắm được ngay thông tin cơ bản về đơn vị trường học, cơ quan bạn đang theo học, làm việc.

Tiếp theo là tiêu đề thư nên được in đậm và sử dụng kích thước chữ to hơn. Sau phần tiêu đề thư là ngày tháng năm viết thư (phần này có hoặc không đều được)

Phần 2. Nội dung thư giới thiệu

Nội dung thư giới thiệu là phần quan trọng nhất. Bạn viết thành từng đoạn 4 – 5 dòng, không nên viết quá dài để tránh người đọc bị rối mắt. Nội dung sẽ tập trung vào thông tin người giới thiệu, mối quan hệ và đánh giá của giáo viên về bản thân bạn.

Phần 3. Thông tin người giới thiệu và chữ ký

Ở phần này, bạn cần đưa thông tin về tên, chức vụ, đơn vị công tác, số điện thoại và địa chỉ email của người giới thiệu cùng với phần ký tên.

Thư giới thiệu từ cô tiến sĩ

Cấu trúc thư giới thiệu thường có 3 phần chính

Kinh Nghiệm Viết Thư Giới Thiệu Xin Học Bổng Cuốn Hút

Nội dung này của bài viết sẽ tập trung vào cách viết thư giới thiệu xin học bổng như thế nào cho cuốn hút.

Giới Thiệu Về Người Viết Thư

Mở đầu bài viết, bạn sẽ giới thiệu thông tin của người viết thư giới thiệu gồm họ và tên, học hàm – học vị, chức vụ, đơn vị công tác. Sau đó, bạn sẽ nêu rõ lý do viết thư. Thông thường ở phần này, bạn sẽ viết là “tôi rất vinh hạnh khi đề cử em “Tên của bạn” đến học tập hệ đại học/thạc sĩ/tiến sĩ chuyên ngành “…” tại trường đại học của bạn. Nên ghi rõ tên trường đại học mà bạn định apply.

Tiếp theo, bạn sẽ dùng câu văn ngắn gọn, súc tích để nói về mối quan hệ giữa người giới thiệu và người được giới thiệu. Bởi vì có mối quan hệ như vậy, người giới thiệu sẽ có sự hiểu biết nhất định về năng lực, kiến thức, kỹ năng của bạn.

Tiếp theo của phần mối quan hệ là sự khẳng định của người giới thiệu về người được giới thiệu lần lượt về các mặt:

  • Kiến thức
  • Kỹ năng
  • Tính cách

Khẳng Định Về Mặt Kiến Thức

Dưới đây là một đoạn nói về mặt kiến thức của bản thân mình:

“Với tư cách là giảng viên hướng dẫn Hạ các môn chuyên ngành như: Lịch sử báo chí thế giới, Phương pháp nghiên cứu truyền thông, tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc với học trò của mình. Tôi ấn tượng với Hạ vì em không chỉ tích cực học tập tại lớp mà còn dành nhiều thời gian đọc sách, tự học thêm tại nhà. Khi gặp khó khăn trong lựa chọn đề tài, phương hướng nghiên cứu và tìm kiếm tư liệu, em luôn chủ động tìm cách giải quyết. Em đã thể hiện được tính cách năng động, tinh thần quyết tâm và sự nỗ lực không ngừng của mình.

Khi tôi giao đề tài nghiên cứu cuối kỳ môn Phương pháp nghiên cứu truyền thông và yêu cầu làm việc nhóm, Hạ đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc và đạt được điểm cao. Nhóm của em chọn đề tài về sự ảnh hưởng của mạng xã hội đến hành vi của giới trẻ. Đây là đề tài phản ánh đúng thực trạng xã hội, có tính ứng dụng cao. Hơn nữa, phương hướng nghiên cứu tập trung đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề, có nhiều ý nghĩa thiết thực.”

Khẳng Định Về Mặt Kỹ Năng

Bạn sẽ dành một đoạn để người viết thư đánh giá về các kỹ năng cứng lẫn kỹ năng mềm của bạn. Những kỹ năng đó sẽ giúp ích như thế nào trong việc học và công việc. Nếu ứng tuyển vào học bổng chuyên ngành “…” thì A sẽ có những ưu thế gì. Ví dụ về một đoạn đánh giá về mặt kỹ năng như sau:

“Đánh giá qua bài thi và sự thể hiện tại lớp, tôi thấy rằng Hạ có kỹ năng tìm kiếm, phân tích, chọn lọc thông tin, có ý tưởng sáng tạo, biết cách khai thác và phát triển đề tài nghiên cứu. Hạ có khả năng làm việc độc lập và làm việc nhóm rất tốt. Các sinh viên làm việc nhóm cùng Hạ cũng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt tình giúp đỡ bạn bè của em.”

Khẳng Định Về Mặt Tính Cách

Tính cách, thái độ học tập, làm việc của một người rất quan trọng. Nó quyết định sự phù hợp của bạn đối với một chuyên ngành. Vì vậy, đừng bỏ qua nội dung này, hãy dành 3 – 4 dòng miêu tả về tính cách của bạn. Ví dụ:

“Trong quá trình giảng dạy và hướng dẫn A, tôi nhận thấy rằng A là người nhiệt tình giúp đỡ người khác. Trong các hoạt động của đoàn khoa, em luôn chủ động tham gia, khi xong phần việc của mình, em sẽ nhiệt tình hỗ trợ người xung quanh. Thái độ làm việc tích cực cũng là điểm cộng của em ấy. Khi tôi giao nhiệm vụ thu thập thông tin mong muốn về đơn vị thực tập, chỉ trong vòng 2 ngày, A đã hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn tôi nghĩ…”

Các bạn để ý, với mỗi luận cứ về kiến thức, mình đều đưa ra một dẫn chứng cụ thể. Nếu trong thư bạn viết rằng “A là một sinh viên có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu khoa học” thì bạn phải đưa ra dẫn chứng cụ thể. Thông qua đâu mà người giới thiệu biết A có kinh nghiệm hoặc liệt kê ra các công trình nghiên cứu khoa học của A mà thầy cô đó đã từng đọc.

Khi bạn viết “A tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa, là thành viên cốt cán trong ban tổ chức các hoạt động đó” thì bạn phải dẫn chứng được rằng, A đã tham gia những hoạt động nào, vai trò của A trong các hoạt động đó là gì. Nếu các bạn chỉ viết suôn mà không có dẫn chứng thì bài viết sẽ sáo rỗng và thiếu sự thuyết phục.

Đoạn Kết

Trước khi kết thúc thư giới thiệu, người viết phải tái khẳng định một lần nữa về năng lực của người được giới thiệu, khả năng theo học chương trình và sẽ đạt được nhiều thành tích tốt trong tương lai. Khẳng định rằng, chuyên ngành “ABC” tại trường “EFG” sẽ phù hợp và là môi trường để bạn phát huy năng lực. Đoạn văn mẫu như sau:

“Với tinh thần cầu tiến, thái độ học tập tích cực và nhiều tố chất phù hợp để trở thành người làm công việc truyền thông, Hạ sẽ là ứng cử viên tiềm năng cho chương trình học bổng của quý trường. Nếu có được cơ hội đến quý trường du học, tôi tin rằng, Hạ sẽ tích cực học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng và đạt được thành tích cao.”

Kết thúc thư giới thiệu hãy thêm lời cảm ơn vì đã dành thời gian đọc thư.

Các Mẫu Thư Giới Thiệu Học Sinh Du Học

Mẫu Thư Giới Thiệu Xin Học Bổng Trung Quốc Tiếng Việt

Mau thu gioi thieu xin hoc bong Trung Quoc Tieng Viet (1)

Mẫu Thư Giới Thiệu Xin Học Bổng Trung Quốc Tiếng Anh

Mau thu gioi thieu xin hoc bong tieng Anh

Mẫu Thư Giới Thiệu Xin Học Bổng Du Học Trung Quốc Tiếng Trung

Mau thu gioi thieu xin hoc bong Trung Quoc Tieng Trung

Cách viết thư giới thiệu du học Trung Quốc hay kinh nghiệm viết thư giới thiệu xin học bổng Trung Quốc không quá khó nhưng đòi hỏi sự chính xác, logic, có dẫn chứng cụ thể, rõ ràng để tăng sức hút và tính thuyết phục. Bạn hãy ghi nhớ các yếu tố này để viết thư giới thiệu tốt nhất nhé!

You may also like

2 comments

Nguyễn Vinh 15 Tháng Ba, 2023 - 4:02 chiều

Con anh đang xin học Thạc sĩở ĐH Chiết Giang TQ, nhưng thư giới thiệu mình xin thầy cô ở TQ viết được không em Em có thể tư vấn dùm anh với.Cám ơn em nhiều.

Reply
Dương Hạ 22 Tháng Tư, 2023 - 9:21 sáng

Dạ, thư giới thiệu xin của thầy cô ở TQ có thể sử dụng được anh ạ.

Reply

Để lại bình luận