Bật Mí Ý Nghĩa Các Con Số Của Người Trung Quốc

by Dương Hạ
ý nghĩa các con số trong văn hóa trung hoa

Văn hóa Trung Hoa là một kho tàng kiến thức được tích lũy qua giai đoạn phát triển hơn 5000 năm. Nơi đây được vinh danh là một trong các nền văn minh lớn nhất của nhân loại. Mọi thứ đều vận hành theo một cách rất riêng. Ở bài viết này, chúng ta hãy tìm hiểu về ý nghĩa các con số của người Trung Quốc nhé.

Là quốc gia láng giềng, trên thực tế thì Việt Nam đã chịu nhiều ảnh hưởng từ nền văn hóa Trung Quốc. Vậy nên ý nghĩa các con số trong văn hóa Trung Hoa cũng có nhiều điểm tương đồng với văn hóa của nước ta. Hãy cùng tìm hiểu với Học Tiếng Trung Du Học để hiểu rõ hơn về điều này.

Người Trung Quốc “Sùng Bái” Các Con Số

Người Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung có một sự “sùng bái” rất khó lý giải đối với các con số. Theo giải thích xưa kia thì nguyên nhân chủ yếu là bởi vì con số nằm giữa vật chất và tinh thần, khác với những sự vật cảm tính, con số vừa không thể cảm nhận được nhưng sự tồn tại của nó là bất biến. Bởi vậy mà Triết học Hy Lạp cổ đại đã có một trường phái riêng về các con số, gọi là “Duy Số Luận”. Triết học này có nghĩa là quy mọi vật về con số mang tính cụ thể, dễ dàng tin tưởng hơn so với việc quy vạn vật về nước, lửa hay không khí.

Ở Trung Quốc, sự “sùng bái” con số được thể hiện rất rõ ràng và còn ảnh hưởng cho đến ngày nay. Sự “sùng bái” này xuất phát từ tính huyền bí của các con số. Sự thần bí của con số lại đến từ cuộc sống không thần bí của con người. Nghe có vẻ khó hiểu nhỉ nhưng hãy tiếp tục đọc ý nghĩa các con số của Trung Quốc dưới đây, bạn sẽ hiểu rõ hơn vì sao lại như vậy.

Ý Nghĩa Các Con Số Ở Trung Quốc

Số 0 ( vô)

Số 0 là sự bắt đầu của dãy số và được gọi là “vô”. Vậy “vô” là gì? Chữ Trung Quốc phồn thể, “vô” có hình ảnh của một người đang cầm cỏ hoặc đuôi bò đang nhảy múa. Người xưa thường nhảy múa với mục đích cầu cho mùa màng bội thu. Những điệu nhảy được mô phỏng theo hành động làm nông để hiến tế các vị thần nên không có cách nào nhìn rõ chúng, cũng không có quy luật cụ thể vì vậy mà người ta dùng chữ “vô” để biểu thị.

Trong văn hóa Trung Hoa, “vô” – số 0 có nhiều thuộc tính khác nhau: nó là con số nhỏ hơn bất kỳ con số nào nhưng lại được coi là lớn hơn tất cả những thứ “hữu” – có.  Bởi theo Đạo gia: “Vạn vật trong thiên hạ sinh ra từ chữ hữu (có), hữu sinh ra từ chữ vô (không).  Trong cuộc sống, số 0 hay chữ “vô” được sử dụng với một nghĩa là “không” như:  vô tính, vô hình, vô liêm sỉ, vô nghĩa… Khi gặp bất cứ trường hợp nào không thể định lượng được, không thể miêu tả được thì người ta thường dùng chữ “vô”. Ví dụ như vô giá, vô thường, vô minh, vô cương…

ý nghĩa các con số trong băn hóa trung quốc

Mỗi con số trong văn hóa Trung Quốc đều biểu thị nhiều ý nghĩa thâm sâu (Ảnh: Internet)

Số 1 (Nhất)

1 – một là một cái nhưng cũng là tất cả. Trong chữ Hán, số 1 chỉ là một nét ngang “一” nhưng là sự đại diện cho trời, cũng là đại diện cho đất và đại diện cho một số sự vật, không gian hay thời gian. 1 có thể đại diện cho tất cả, là nhiều, là toàn bộ. Vì vậy mà trong kho tàng thành ngữ Trung Quốc, bạn sẽ thấy chữ “nhất” được ứng dụng rất nhiều:

“Nhất làm vô dư” – nhìn một cái là thấy hết

“Nhất cử nhất động – mọi hành động

“ Nhất thanh nhị sở” – hiểu rõ tất cả

“Nhất bại đồ địa”  – thua toàn cục….

Đối với các nhà tư tưởng Trung Quốc, số 1 được coi là sự bắt đầu, biểu thị ý nghĩa nguyên thủy nhất. Khổng Tử lấy chữ nhất để quán xuyến tất cả. Lão Tử lấy chữ nhất làm Đạo. Chữ nhất là sự bắt đầu nhưng cũng là cực hạn của vạn vật nên các triều vua chúa nếu rút quẻ để xem số năm của triều đại nếu rút trúng số 1 thì đó không phải chỉ là một năm mà là chỉ sự thịnh vượng của triều đại tồn tại đến cực hạn. Người Trung Quốc xưa coi “nhất” nghĩa là sự vĩ đại, siêu phàm.

Số 2 (Nhị)

2 được người Trung Quốc xem là con số may mắn ví nó đại diện cho một đôi, con số của hạnh phúc (song hỷ), sự hoàn mỹ. Bên cạnh đó, con số này được là sự tượng trưng cho cân bằng âm dương, tạo thành thái lưu hay nguồn gốc của vạn vật.

Số 3 (Tam)

Trong quan niệm của người Trung Quốc, nếu 1 là khởi đầu của con số thì số 3 là hoàn thành của số. Bởi họ cho rằng từ 1 – 3 là một vòng luân hồi, là sự mở rộng của lượng và sự quy về của chất nhưng ở một khởi điểm cao hơn. Lão Tử từng nói: “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật. Nhất không thể sinh vạn vật vì nhất không đầy đủ. Nhất chỉ là 1 mà đến thứ 3 đã ra rất nhiều thứ rồi.

Bởi vì quan niệm này mà người Trung Quốc ca ngợi số 3 là “Thiên chi đại kinh” (tức lẽ trời). Thiên chi đại kinh được giải thích như sau: 3 khởi thành ngày, 3 ngày thành lệ, 3 tuần thành tháng, 3 tháng thành mùa, 3 mùa thành công. Ba trạng thái nóng, lạnh, ôn hòa tạo thành sự vật. 3 thứ mặt trời, mặt trăng và sao tạo thành ánh sáng. Trời, đất, con người tạo thành tâm đức. Chính vì lẽ đó mà người ta luôn xem số 3 chính là sự hoàn thành.

Số 4 (Tứ)

Số 4 được coi là con số kiêng kỵ nhất của người Trung Quốc. Điều này xuất phát từ hiện tượng đồng âm trong tiếng Trung, cụ thể phát âm của số 4 gần giống với cách đọc chữ “tử” – chết nên nó được xem là con số không may mắn.

Tại nhiều khách sạn, nhà hàng, người ta thường trực tiếp bỏ qua tầng số 4, căn phòng số 4, thang máy số 4. Ngoài ra, trong các hoạt động, sự kiện có liên quan đến con số thì người ta cũng né tránh sử dụng con số này.

Số 5 (Ngũ)

Việc “sùng bái” số 5 xuất phát từ đôi bàn tay, bàn chân của chúng ta đều có 5 ngón. Vậy bạn có nghĩ tới, nếu theo logic như vậy thì động vật như trâu bò cũng sùng bái số 2 vì chúng là động vật có guốc chẵn. Nói đùa vậy thôi, quay trở về vấn đề chính, có rất nhiều dân tộc thích số 5. Dân tộc Hán có quan niệm về Ngũ phương (Đông – Tây – Nam – Bắc – Trung Tâm) để dẫn dắt tới cội nguồn của vạn vật. Rồi sau đó, người ta tiếp tục phát triển với Ngũ hành (Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ) để quy định mọi sự vật, hiện tượng.

các con số trong ngũ hành

Ngũ hành là một biểu hiện của sự “sùng bái” số 5 (Ảnh: Internet)

Vậy tại sao không phải là 6 phương, 7 phương. Câu trả lời sẽ quay trở lại vấn đề bàn tay, bàn chân. Nguyên nhân lấy số 5 vì nó gắn liền với cơ thể con người, 5 ngón tay, ngũ quan. Sử dụng con số này sẽ tăng thêm tính thần thánh và gắn kết với bản thể con người.

Có thể nói, bỏi vì sùng bái số 5 nên mới sinh ra ngũ phương, ngũ hành và ngũ hành ra đời lại củng cố thêm quan niệm sùng bái số 5. Cho đến ngày nay, quan niệm ngũ hành của Trung Quốc đã vượt ra khỏi biên giới, ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều nền văn hóa khác, trong đó có Việt Nam.

Số 6 (Lục)

Ý nghĩa của số 6 trong văn hóa của người Trung Quốc là giàu sang, phát lộc, phát tài, sinh lợi và suôn sẻ. Con số này có ý nghĩa như vậy vì phát âm của nó gần giống với những từ có ý nghĩa giàu có như trên. Vì vậy mà rất nhiều người chọn số điện thoại, biển số xe, ngày kết hôn liên quan đến số 6 để hy vọng cuộc sống về sau ngày càng sung túc hơn.

Số 7 (Thất)

Trong quan niệm của người Trung Quốc, số 7 là một con số không may mắn, số 7 là thất, thường gắn liền với thất bát, thất bại, thất nghiệp, thất học… Người dân đất nước tỷ dân này cũng có quan niệm  “mùng bảy không đi, mùng tám không về”. Câu nói này có nghĩa là không được chọn ngày mùng bảy và mùng tám để đi ra ngoài hoặc trở về.

ý nghĩa số 7

Số 7 là đại diện cho điều không may mắn (Ảnh: Internet)

Số 8 (Bát)

Có thể nói rằng, người Trung Quốc vô cùng yêu thích con số 8. Đơn giản chỉ vì con số này có phát âm gần giống với từ “phát” trong “phát tài, phát lộc”. Số 8 sẽ đại diện cho sự may mắn, giàu sang, thành công nên được sử dụng làm số điện thoại, hot line, ngày kỷ niệm, ngày khai trương, lễ đính hôn với mong muốn sẽ gặp nhiều may mắn, tốt lành hơn trong cuộc sống.

Nếu địa chỉ nhà, biển số xe, số điện thoại của bạn có 2 số tám đứng cạnh nhau thì được đánh giá là “hạnh phúc nhân đôi”. Bên cạnh lý giải về phát âm, thì hình dạng của số 8 đối xứng hoàn hoàn, theo quan niệm chiêm tinh học của Trung Quốc thì đó chính là cân bằng lý tưởng.

Nhiều du học sinh Việt hay du khách sang Trung Quốc nhiều lần đã phát hiện ra một bí mật rằng người Trung Quốc rất thích đặt mật khẩu wifi là số 6 hoặc số 8. Có rất nhiều trường hợp thử nhập mật khẩu bằng hai con số này và đã thành công.

Số 9 (Cửu)

Với người Trung Quốc, số lẻ là số dương và số chẵn là số âm, trong đó, 9 là số lẻ lớn nhất. Trong xã hội phụ quyền, dương là đại diện cho nam giới vì vậy số 9 được tôn sùng. 9 là 3 x 3, như đã chia sẻ ở phần trước số 3 vốn dĩ đã thần kỳ mà 9 lại là 3 x 3 nên càng thần kỳ hơn.  Có thể nói rằng số 9 đạt đến vị trí đặc biệt trong các con số nhớ tính lớn nhất, tính cổ xưa và tính thần kỳ. Khi người ta muốn nói điều gì bao trùm giới hạn thì người ta thường dùng chín: Cửu Châu, Cửu Vực, Cửu Trùng Thiên…

số 9 quyền lực trong văn hóa trung hoa

Số 9 là đại diện cho sự quyền lực (Ảnh: Internet)

Bên cạnh đó, người ta cũng thích vận dụng phép nhân với số 9, điều này, chắc chắn bạn đã gặp qua rất nhiều lần, đó là 18 môn võ nghệ, 18 tầng địa ngục, 81 kiếp nạn, 72 phép biến hóa của Tôn Ngộ Không, 36 kế….

Ý nghĩa các con số của Trung Quốc ẩn chứa nhiều quan niệm từ xa xưa với nhiều triết lý thâm sâu. Tìm hiểu về các con số, bạn sẽ có thêm nhiều hiểu biết vượt ra ngoài khuôn khổ của khoa học tự nhiên. Mặc dù vậỵ, đối với văn hóa nói riêng, việc vận dụng ý nghĩa của các con số vào cuộc sống sẽ giúp làm cho đời sống văn hóa, tinh thần có thêm nhiều màu sắc tích cực.

Để lại bình luận